Hồng treo gió Đà Lạt được ví như sự kết hợp của tinh túy trời đất và công sức của con người. Đến với thành phố sương mù, ngồi giữa mênh mông rừng núi trong tiết trời se lạnh, xuýt xoa bên tách trà nóng và thưởng thức một đĩa hồng treo thì còn gì bằng?
Đôi nét về hồng treo gió Đà Lạt
Nếu trước đó, hồng sấy hay hồng khô đã quá quen thuộc với nhiều gia đình, thì sự có mặt của một món mới - hồng treo gió - lại thu hút được sự chú ý của rất nhiều người hơn. Hồng treo gió là loại hồng được làm khô bằng gió tự nhiên và thường chỉ làm khô nhẹ. Nhờ đó hồng vẫn còn giữ được độ ẩm và mềm, khi thưởng thức vẫn thấy rõ mùi thơm của hồng hơn so với các loại hồng sấy, hồng làm khô bằng các phương pháp khác. Có thể nói hồng treo là loại thức quà hoàn toàn tự nhiên. Bởi chỉ với vị ngọt tự nhiên của nó cộng hưởng cùng với nắng trời và không khí để cho ra những trái hồng treo thơm ngon.
Mùa hồng Đà Lạt rơi vào thời điểm nào?
Thung lũng Vàng, Khe Sanh, khu vực ngoại ô như Trại Mát, Cầu Đất, Đà Lạt tập trung đông với khoảng 300 cơ sở hồng treo gió. Đây còn được mệnh danh là thủ phủ của hồng với hàng trăm quả đồi bạt ngàn những vườn trồng hồng. Những cây hồng được trồng ở đây hầu hết là hồng giòn.
Mùa hồng Đà Lạt bắt đầu từ giữa tháng 9 cho đến những mùa đông giá lạnh vào cuối tháng 11 đầu tháng 12. Vào thời điểm này thì các cây hồng đã trụi hết lá chỉ còn lại những quả hồng thắm đỏ trên cành cây. Vì vậy khi du lịch Đà Lạt vào thời gian này, du khách không những có cơ hội thưởng thức thứ đặc sản thơm ngon của đất trời mà còn có thể trải nghiệm trực tiếp làm hồng treo.
Những lợi ích mà hồng treo gió Đà Lạt mang lại
Vì hồng treo 100% là sản phẩm tự nhiên nên rất có lợi cho người bị bệnh tim mạch trong việc cung cấp lượng đường tự nhiên cho cơ thể. Theo các chuyên gia, mỗi ngày ăn 3-4 trái hồng có tác dụng cao trong ổn định huyết áp. Những người thừa cân, béo phì sử dụng hồng cũng rất tốt. Vì hồng có thể ăn khi đói mà lại không chứa quá nhiều calories.
Không chỉ vậy hồng rất tốt cho những người bị các bệnh về dạ dày, rối loạn tiêu hóa. Hồng chứa lượng chất xơ và tanin dồi dào. Trái hồng giàu vitamin A, lycopene và cryptoxanthin nên rất tốt cho mắt và chống lão hóa, có tác dụng phòng ngừa và chữa trị bệnh thiếu máu.
Hồng treo gió - món ăn cầu kỳ trong từng công đoạn
Hồng treo gió được mệnh danh ngon bậc nhất trong các loại mứt đặc sản của Đà Lạt mà cách tạo ra món đặc sản này cũng khiến nhiều người “choáng” về độ khó và kỳ công. Đầu tiên đó là bước chọn hồng.Những trái hồng được chọn phải đạt đến độ chín nhất định. Trái hồng to, vỏ hồng có màu vàng cam, hồng phải cứng và không có vết côn trùng cắn hay bị dập. Đặc biệt, hồng phải còn một đoạn cuốn bên trái.
Sau đó, hồng được sửa sạch, để ráo nước và ngọt vỏ. Tiếp theo, buộc dây vào cuống hồng, siết chặt. Hồng sẽ được buộc so le nhau để những quả hồng không bị chạm vào nhau khi phơi. Sau đó, chọn nơi không có ánh nắng trực tiếp, thoáng gió và không bị mưa để phơi hồng, và treo hồng trên dây thành chuỗi. Trung bình khoảng 7-8kg hồng tươi sẽ cho ra thành phẩm là 1kg hồng treo.
Sau khoảng 5-10 ngày, hồng sẽ có độ mềm hơn và chuyển dần sang màu cam đậm, có sắc nâu. Để hồng có độ dẻo và mềm hơn, người nông dân cần biết “mát-xa” bằng cách bóp nhẹ lên trái hồng. Cuối cùng, sau khoảng 18 ngày, người làm bắt đầu hạ giàn, và thu hoạch những trái hồng treo thơm ngon. Chỉ cần thời tiết không ủng hộ, trời mà cứ mưa một tuần không có nắng thì coi như mất trắng cả vụ. Chính vì sự kỳ công và phức tạp của quá trình sản xuất hồng treo gió mà thành phẩm đem lại vô cùng chất lượng và rất được ưa chuộng.
Hồng treo Đà lạt có màu vàng đỏ, bên ngoài cứng, bên trong mềm có mật ngọt. Vị ngọt thanh, dẻo thơm. Thưởng thức loại hồng này, bạn nên dùng kèm với một ly trà nóng. Thường người thưởng thức xem đây là một thức quà tao nhã. Dùng để ăn kèm bên tách trà nóng khi bạn bè hàn huyên trong những ngày đông lạnh.
Thông tin tham khảo:
Website: www.opetitmaison.com; https://opetit.com;
Hotline: 0903453365
Address: Cà phê Petit, 31 Nam Hồ, P.11, Đà Lạt, Lâm Đồng
Comments